Chắc chắn rằng nhân loại đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới. Chỉ bằng những quan sát thông thường, có thể nhận thấy nhiều quyền lợi chính đáng của người phụ nữ đã được pháp luật công nhận. Những tiến bộ trong nhận thức về bình đẳng giới dần trở thành một chuẩn mực tại khu vực đô thị. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới chỉ ra: Trước đại dịch COVID-19, phụ nữ đã phải gánh một gánh nặng kép, bao gồm số giờ làm tương đương với nam giới, cộng với số giờ làm việc gia đình nhiều hơn gấp đôi so với nam giới. Lưu ý, có tới gần 20% lao động nam không hề dành bất kỳ quỹ thời gian nào cho việc nhà. Nửa cuối năm 2020, với hoạt động kinh tế bắt đầu hồi phục và trường học dần mở cửa trở lại, trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, khiến gánh nặng kép của họ càng trở nên nặng hơn. [1]
Tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số và hộ nghèo có ít cơ hội tiếp cận giáo dục hơn, cũng như có tỷ lệ bỏ học và mù chữ cao hơn. Trên toàn quốc, với 65% số hộ gia đình thiếu nguồn cung nước tại nhà, phụ nữ và trẻ em gái thường gánh trách nhiệm đi lấy nước. Ở các trường học, việc không có nhà vệ sinh riêng cho nữ đã góp phần dẫn đến tỷ lệ nghỉ học cao ở học sinh nữ, hạn chế sự tiếp cận giáo dục và kết quả chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là ở trẻ em gái dân tộc thiểu số. [2]
Còn rất nhiều việc phải làm để thay đổi những hiện trạng trên, đặc biệt là khi đại dịch càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới vốn đã tồn tại lâu dài trong xã hội. Tuy nhiên, SonTa Foundation tin rằng các bạn trẻ sẽ là động lực mạnh mẽ để lan tỏa những giá trị tích cực của bình đẳng giới tới toàn xã hội.
[1] ILO (2021) Tóm tắt nghiên cứu: Giới và thị trường lao động ở Việt Nam
[2] Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (2016) Phụ nữ & Các Mục tiêu Phát triển Bền vững